Top 3 dịch bệnh mùa hè đã trở thành “cơn ác mộng” hàng năm với trẻ nhỏ

Top 3 dịch bệnh mùa hè đã trở thành “cơn ác mộng” hàng năm với trẻ nhỏ

 

Sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, tiêu chảy cấp là 3 dịch bệnh luôn đứng đầu có nguy cơ cao bùng nổ ở trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi trong mùa hè. Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều được xem là “món quà từ tự nhiên” đã tạo đà phát triển cho các loại virus và ký sinh trùng gây bệnh.

 

Sốt xuất huyết

 

Thống kê của Bộ Y tế, 21.000 bệnh nhân sốt xuất huyết được ghi nhận từ đầu năm đến nay trong đó đã có 8 ca tử vong. Trong 3 tháng đầu năm, các bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 4.000 bệnh nhân, tuy nhiên, số lượng bệnh nhân tăng mạnh vào tháng 4 khi có đến gần 6.900 ca sốt xuất huyết và 2 người tử vong. Với hệ miễn dịch còn non yếu, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng số lượng bệnh nhân.

 

Sau khi bị muỗi đốt 7 – 10 ngày, bé bắt đầu có các biểu hiện như mệt mỏi, đau nhức và đặc biệt là sốt cao liên tục từ 2 – 7 ngày và tiếp theo sẽ xuất huyết dưới da, niêm mạc. Tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà mà cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, nếu quá muộn bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng hôn mê và tử vong.

 

Sốt xuất huyết tấn công chủ yếu đến các bé dưới 5 tuổi khi hệ miễn dịch tự nhiên còn non yếu

 

Bệnh tay chân miệng

 

Nếu như cách đây khoảng 10 năm, bệnh tay chân miệng vẫn còn là một loại “bệnh lạ” đối với người Việt Nam thì giờ đây, căn bệnh này đã trở thành nỗi lo sợ của bậc cha mẹ có con nhỏ, đặc biệt là bé dưới 5 tuổi. Thật đáng sợ khi sự gia tăng mạnh mẽ số lượng bệnh nhân tay chân miệng trong tháng 4 vừa rồi với hơn 4.500 ca, trong khi 3 tháng đầu năm chỉ ghi nhận hơn 6.200 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc bệnh đã tăng hơn 26%.

 

Ban đầu trẻ thường sốt nhẹ, biếng ăn, rồi xuất hiện các vết loét đỏ ở vòm miệng, lợi, lưỡi, tiếp đến là những vết phát ban dạng phỏng nước trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa, từ người sang người nên các yếu tố sinh hoạt tập thể ở trường học khiến nguy cơ lây bệnh ở các bé tăng cao, đặc biệt trong mùa hè khi nguy cơ bùng phát bệnh luôn ở mức báo động.

 

Trẻ bị tay chân miệng thường có biểu hiện sốt cao dần

 

Tiêu chảy cấp

 

Tiêu chảy cấp là một trong những bệnh lý phổ biến mùa hè ở trẻ em, “hung thần” này cũng là một trong loại bệnh chiếm tỉ lệ tử vong cao nhất ở trẻ em Việt Nam hiện nay, đặc biệt đối với trẻ dưới 2 tuổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có khoảng 1,5 tỉ lượt trẻ em bị tiêu chảy, trong đó có từ 1,5 – 2,5 triệu trường hợp tử vong, phần lớn do tình trạng mất nước nặng dẫn đến suy kiệt và trụy tim mạch.

 

Các nhà khoa học nhận định “hung thủ” chính là virus, vi trùng và ký sinh trùng xâm nhập và gây nhiễm trùng ở đường ruột. Ngoài ra, trẻ bị tiêu chảy có thể do dị ứng với thức ăn, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, sử dụng kháng sinh không đúng,…

 

Trẻ bị tiêu chảy cấp có thể do thức ăn không hợp vệ sinh, sử dụng kháng sinh không đúng cách

 

Ngoài 3 dịch bệnh kể trên, Bộ Y Tế cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên chủ quan với các bệnh khác như rôm sảy, sởi, viêm màng não, …. Chỉ cần con người lơ là phòng tránh, các yếu tố gây hại sẽ nhanh chóng chớp lấy thời cơ để xâm nhập và gây bệnh, thậm chí bùng nổ thành dịch bệnh rất nguy hiểm. Đặc biệt, ở trẻ nhỏ sức đề kháng còn rất yếu, vì thế luôn được các vi khuẩn gây bệnh “săn đón” ngay khi có cơ hội.

 

Hạn chế sự xuất hiện của vi khuẩn, virus từ những môi trường xung quanh là một biện pháp cần thiết nhưng chưa phải là hữu hiệu nhất. Mấu chốt để phòng và chống lây nhiễm dịch bệnh chính là tăng cường sức đề kháng, củng cố rào chắn bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Khi hệ miễn dịch của bé khỏe mạnh, vi khuẩn, virus từ môi trường rất khó xuyên thủng hàng rào vững chắc và tấn công bé. Cha mẹ hoàn toàn yên tâm vì bé yêu vẫn khỏe mạnh và không bị ảnh hưởng bởi lây nhiễm dịch bệnh.

 

Theo SKDS